Còn đâu cái bánh quê nhà (SGGP Chủ Nhật, 10/9/2017 07:37)

Ngày:02/10/2017 lúc 10:10AM

Còn đâu cái bánh quê nhà

SGGP Chủ Nhật, 10/9/2017 07:37

“Ai bánh ít nhân đu, nhân da hôn…”, Ai bánh bò, bánh tiêu hôn…”, nhng tiếng rao lnh lót như thế c thưa dn trong cuc sng hin đi hôm nay. 

Cái bánh nhà quê, gói bằng lá chuối nhân đậu xanh hay nhân dừa mà trong tuổi thơ của nhiều thế hệ trước đôi khi là cả một món quà lớn. Nhiều người hay ví von “Mừng như thấy mẹ đi chợ về”, hỏi sao không mừng cho được khi trong giỏ má luôn mua sẵn cái bánh ít, gói xôi vò hay cái bánh bò cho mấy đứa nhỏ ở nhà. Nhà quê, có bánh trái gì nhiều hơn nữa đâu, bấy nhiêu đó là đủ một niềm vui lớn cho sắp nhỏ.

1. Cái bánh cũng đâu có nhỏ lắm đâu, cũng ngang với chén ăn cơm, vậy mà gọi bằng bánh ít. Có người thì nói là ngụ ý ăn ít mới thấy ngon, nhiều quá thành ra ngán. Còn như lời nội kể tức là “của ít lòng nhiều”, cũng bởi đám giỗ hay lễ tết trong nhà thường gói bánh ít, mang cho bà con họ hàng, xóm giềng mỗi người một chút. Ăn lấy vị, ăn lấy thảo… nên gọi là bánh ít nhưng cái tình cái nghĩa thì nhiều.

Mấy khi nhà có đám giỗ, hễ làm gì thì làm cũng phải gói cho bằng được bánh ít để cúng ông bà. Ngoài chợ hay siêu thị đâu có thiếu gì bánh tây, bánh hộp, bánh ngọt các loại… vậy thì gói bánh ít chi cho cực? “Tục lệ ông bà đâu thể quên đi được, cũng phải có đĩa bánh ít trước cúng ông bà, sau có cái mà cho tụi nhỏ”, năm nào má cũng dạy con cháu vậy, mỗi khi trong nhà tới đám giỗ. Ngẫm nghĩ thì lời má dạy đâu có sai, cái bánh ít quê mình không có lớn lao để tượng trưng cho trời, cho đất, cũng không phải là đặc sản nổi tiếng của vùng, miền như bánh ít lá gai ở Bình Định. Nó dung dị quê mùa, nhưng thấm đượm cái tình thương, gói cả cái tình xóm giềng thơm thảo từng miếng ăn, tình bà, tình mẹ dành cho con cháu… Bấy nhiêu thôi mà cái bánh nhà quê cứ được truyền từ thế hệ này qua thế hệ kia, như ông bà xưa dạy cho nội, nội truyền cho má rồi giờ má tiếp tục căn dặn con, cháu. 

………………………………………….

3. Mỗi lần ngang qua con đường Trần Khắc Chân, quận 1, người ta không khỏi bị níu chân bởi hương thơm từ những mâm bánh mới ra lò. Cái mâm bánh nhỏ bằng tre đan lại, để lên một lớp lá chuối rồi bày từng ổ bánh nóng hổi, thơm phức mới ra lò. Bánh khoai môn màu tím, nâu vàng của bánh chuối nướng, bánh da lợn xanh mướt, bánh bò đường thốt nốt… những loại bánh dung dị nhà quê đã bước lên phố.

Tại mấy cửa hàng to nhỏ, những loại bánh quê được bày bán khá sang trọng. Mâm bánh được đặt trong những tủ kính, khách mua bánh có thể mua trực tiếp hoặc đặt hàng online. Bánh quê cũng được gói trong những chiếc hộp nhỏ vuông vắn để giao đến tay khách hàng. Cái bánh dung dị đã được nâng lên một tầm cao mới, xuất hiện nhiều hơn trong những tiệc teabreak của buổi họp báo hay hội nghị.

Anh Lê Tấn Đạt (quê ở Tiền Giang, chủ cửa hàng Bánh quê, quận 1) cho hay: “Ban đầu mở tiệm bánh chủ yếu để tìm lại những món bánh quê mà giữa thành phố đã mai một dần. Từ từ cũng được sự ủng hộ của nhiều khách hàng, nên mở rộng thêm chi nhánh, nhiều khách là các công ty lớn cũng đặt bánh cho các tiệc hay hội nghị”. Có lẽ khi mọi thứ quá phức tạp, người ta thường tìm đến những điều đơn giản. Cũng như đã thưởng thức qua nhiều món cao lương mỹ vị, thì cái bánh quê dân dã trở thành món trân quý nhiều hơn. 

Cái bánh quê có một giá trị, một chỗ đứng riêng cho mình. Đó là bởi chất mộc mạc từ những nguyên liệu quê nhà. Hễ ăn một miếng cứ làm người ta nhớ mãi. Chỉ bấy nhiêu mà đôi khi làm dậy cả một trời ký ức về tuổi thơ, về những ngày ngóng bà, ngóng mẹ đi chợ về để được cái bánh. Và vẫn sẽ mãi còn đó một cái bánh quê, ấp ủ một miền ký ức thơm thảo mà giữa cuộc sống hiện đại người ta không thể quên hay tìm một thứ khác thay thế được.

KIM LOAN



#bánhquê #bánhít #bánhtét #bánhú #bánhgóilá

Dat Dat
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận